Uncategorized

Con dế mèn sống qua mùa hè | satangwinny

Mùa hè Thạch Hãn

Mùi cỏ cháy; 2012

Viết tặng Câu lạc bộ.

Quảng Trị, 1972, nay là ngày hăm nhăm rồi, tháng tư. 

____

Hồi đợt năm ngoái, lúc chuẩn bị điền đơn nhập ngũ, Thắng có thấy thằng Thanh ở khoa Văn. Thắng có bắt gặp vài lần, mà không tiện nói gì. Bèn mặc luôn, sau mấy hội sinh viên, nó không gặp Thanh cho đến ngày nộp đơn nhập ngũ. Thanh mới cắt tóc hôm trước, gáy tóc gọn ghẽ. Mấy hôm nữa tóc đen sẽ chèn dưới mũ cối, có khi chẳng mấy được tỉa tót nữa đâu. Mười đầu ngón tay dính mực và cuốn sổ con kè kè trong ngực áo. Nhiều khi nó chưa hình dung nổi ý tứ ở đâu mà cứ tuôn trào trong đầu Thanh nhiều như thế. Một lúc, Thanh lại lắc mình, lôi cuốn sổ rồi cây bút, cuốn sổ cậu đầy những nét thơ. 

Đến tận ngày nhập ngũ, Thắng thấy bọn thanh niên chúng nó, trẻ, khoẻ, khát vọng, xanh như lá. Bộ quận y canh trên người nó vừa vặn, nó dịch lại cái mũ trên đầu. Một áng trời kỳ lạ trôi ngang trong mắt nó, không có ai ngoài mẹ cầu nguyện cho mình lúc này. Nó thở một hơi dài, tính sổ với thằng Tây. Nó sẽ tính sổ với thằng Tây, thằng nào đã ném bom xuống cây cầu ngoại nó đi, nhà nó nhận về được một cái chân. Đánh thằng Tây, quân nào khiến nước mình chưa thống nhất. Đánh thằng Tây, vì mình cuối cùng cũng là máu thịt nơi này, nhỏ xíu, trong những màu áo lẫn trong cỏ. Nó tần ngần đứng ở bến xe hằng năm phút đồng hồ, đầu nghĩ đánh thằng Tây, mà chân nó vẫn chưa nhấc lên nổi. Nếu chẳng may, Thắng biết, chẳng may…

“Sao không lên xe?”

“Ơi?”

Không phải giọng chỉ huy, làm nó cứ giật thon thót. Thắng quay đầu sang thật nhanh, thấy Sang Thanh cũng trong màu xanh lá. Như nó, như bao thanh niên xung phong.

“Tớ hỏi, sao chưa lên xe.”  Thanh nói, chỉnh lại cái mũ của Thắng, chẳng biết sao cứ một chốc lại lệch hết sang bên trái.

Thắng nhìn Thanh, rồi liếc nhìn tay cậu sửa mũ trên đầu mình, “Không, tớ chỉ muốn ngắm trường lại một chốc.”

“Cậu tên gì, học gì?”

“Quỳnh Thắng, Kỹ thuật điện.”

Thanh nhoẻn miệng, cậu thõng hai tay, nói “Giỏi thế. Tớ tên Thanh, khoa Văn.”

“Tớ có biết cậu.”

“Tớ à?”

“Ừ,” Thắng gật đầu, mắt nó lấp ló sáng rực dưới vành mũ, “cậu hát trong mấy hội thanh niên hay lắm.”

Lúc này, Thanh ngại ngùng cúi mặt xuống, tay cậu gãi gáy, cậu nói, “Ngại quá.” Rồi cậu ngước lên, nét cười vẫn còn in trên mặt, “Khi nào giải phóng, về lại đây, bọn mình sẽ lại được đi văn nghệ.” 

Thắng nhìn cậu thanh niên màu xanh mà rực rỡ như đuốc cháy trước mắt, hơi rùng mình. Khi nào hoà bình?

Phải hoà bình, mình còn về lại giảng đường. Nó phải về lại, phải hoà bình.

“Sao đấy?” Thấy bạn không  nói gì, Thanh áp mặt sát lại, hai khuôn mặt khuất dưới vành mũ cối. Những mùi tan hoang lạ lẫm từ những gì còn sót lại ở sân trường sau cuộc di cư bắt đầu hiện hữu rõ nét trong tế bào cảm nhận của Thắng. Nó mím môi, “Phải thắng chứ, cậu nhỉ? Thằng Mỹ không tan tác, tớ không về lại đâu.”

“Mỹ chết, cậu với tớ lại được đi học.” Thanh nhìn những chiếc lá còn sót dưới sân, “Tớ muốn gia nhập vào Hội Nhà văn. Nhưng trước đó…” Cậu chần chừ, có cái gì đó nghẹn lại, “mình cần toàn thắng trở về.”

“Hứa nhé, cùng về rồi đi học tiếp.” Thắng nói, một tia lệ đã hiện và khuất ngay trong khoé mắt nó.

Đất nước

Của những người con gái, con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt.

Lúc đó, tụi nó hẵng chưa biết nhau.

____

Trong tiểu đội có một anh tên Song Nam, người gốc Hà Nội. Anh đàn hát cũng khá, học khoa Toán. Lúc trên xe di chuyển đến doanh trại, năm đó mới 1971. Đến doanh trại, các thanh niên xung phong trú tại thị trấn Nhã Nam. Đóng quân ở đấy, mỗi lần ra bưu điện gửi thư cho mẹ, Thắng lại gặp anh ngồi thất thần trên bậc tam cấp. Anh ghì tấm thư trong bàn tay. Ngày nào cũng thấy anh lưỡng lự, rồi anh lại ra về mà không gửi thư đi. Hôm đó, Thắng đánh bạo tiến lại gần, lúc Nam còn nhìn màu trắng tinh trên bìa thư.

“Cậu gửi đi không?”

Nam ngước lên, mắt anh sáng như mười chín, “Sao cơ?”

“Tớ hỏi cậu gửi đi không? Thư ấy, cho mẹ à?”

Nam siết lá thư, những góc bìa nhàu nhĩ, anh lắc đầu, “Không. Tớ không biết gửi cho mẹ hay bố.”

“Là sao?”

“Bố mẹ tớ li dị, trước ngày tớ đi xung phong.”

Thắng lặng người. Như một ngọn lửa cháy liu riu, không có tiếng động gì trong đầu của nó. Nó nhìn anh một lúc, rồi nó bảo: “Nam.”

“Ơi.”

“Về doanh trại thôi. Đi về, tớ cho cậu nghe con ve sầu tớ bắt. Tớ để trong cái ống bơ.”

Nam nhìn nó, mắt anh sáng rỡ. Thật ra không vì con ve sầu đựng trong cái ống bơ. Anh thôi không muốn nghĩ về chuyện người lớn nữa, vì giờ anh cũng đã lớn. Anh nhìn đôi dép cao su đóng cát dưới chân, những kẽ chân dính đầy bụi đất, những bước chân của mười chín dắt díu đi theo những mười tám, mười chín, hai mươi. Anh đã ở đây vì một lòng với Tổ quốc. Đến ngày thắng lợi về, chạm ngõ trên những miền trời Hà Nội, khi anh về Thủ đô. Anh sẽ về lại với cả bố và mẹ, không qua những tấm thư nữa. Anh biết có khi không như anh nghĩ, nhưng kể cả khi con ve sầu vẫn hát trong ống bơ, tội tình gì mình lại chẳng mơ? 

Con ve sầu hát trong cái ống bơ của Quỳnh Thắng, trong mấy ngày đóng quân xa xôi. Đó là mùa cuối thu, tháng 10 năm 1971, từ sau bận đó, Thắng với Nam thân với nhau hơn.

Sang Thanh nhìn tờ giấy trên tay, không biết chừng chẳng gửi thì hơn. Dán lên báo tường mà lính đọc thấy lại mắc cỡ. Mùa cuối năm ở thị trấn, có một đợt Thanh cứ gặp Thắng đi với Nam. Muốn lại bắt chuyện với nó, mà cậu nghĩ mãi không ra chuyện. Có hôm thấy nó giúp giặt đồ với dân ở giếng, vừa tính lại thì nó đã xong…

Thấy nó khệnh khạng gánh nước từ giếng để về đun, Thanh thấy muốn đỡ một tay. Ngay lúc đấy anh Nam đến kến bên, chỉ có mình cậu lủi thủi đứng dưới mái hiên nhà nhìn Thắng đi mất biệt. Thanh muốn bắt chuyện quá, nắng ngày mới lên ở Nhã Nam hơn hai tuần rồi, mà lời mở ra vẫn không thể thoát khỏi kẽ răng. Mùa thu đi sang, tiểu đội đã ở lại đây chừng một tháng. Những ngày nắng quá cao trên đỉnh đầu, bọn nó đã chuyển quân từ Bắc xuôi về miền Nam. 

Miền Nam, sao mà nghe xa xôi quá. Không biết những sinh viên năm ngoái năm nay thế nào? Những sinh viên như Thanh, như Thắng, như Nam. Mấy trăm người xung phong, mấy trăm người chẳng thấy báo tin về. Mà năm nào cũng có người xung phong… Thanh biết mình đi chuyến này chẳng biết khi nào lại về, về Tổng Hợp ư? Vời vợi quá. Lời hứa về học với Quỳnh Thắng lúc ở bến xe, có khi Thắng đã chóng quên mất.

Áng chiều rũ vào đôi mắt Thanh mờ mịt, như khói bụi Trường Sơn, như ba-lô hăm mấy ba mươi kí lô, như những lời đã hứa của những miền non dại. Không biết sao Thanh đau đáu về câu hứa với Thắng ở cửa Tổng Hợp đến thế. Thanh không nhớ gì nhiều hơn trong ngày xuất phát ấy, ngoài màu áo của nó cũng xanh như áo cậu. Quân hàm trên ngực, sao vàng trên cái mũ lệch sang trái của Thắng. Không có gì quá khác trừ đôi vai cứ run lên, những cái chớp mắt ngập ngừng, nhưng vẫn nói “Giết tụi Mỹ” một cách ngoan cường. Quỳnh Thắng như một cánh chim dập dìu trên màu xanh ruộng lúa. Khẳng khiu, trơ trọi, nhưng không lệch đi đâu được. Nó là cánh chim nước mình, khi nó nói, cái chữ nước mình tròn trịa từ khuôn miệng. “Giết tụi Mỹ”, mình đâu có xá gì? Chắc bởi thế mà Thanh để ý nó, lúc ngồi trên xe chẳng hát câu nào. Đến doanh trại vẫn im như thóc. Sau mấy lần chuyển quân, bây giờ nó lại thân với Song Nam.

Tờ giấy ghi trên tay nó âm ẩm mồ hôi túa từ lòng bàn tay chai sạn. Đôi tay không còn như sinh viên nữa, ừ thì, mình bỏ cái đời sinh viên, không tiếc, để xung phong làm bộ đội. Nhiều khi nếu tay cậu quá nhiều vết chai, cậu sợ quên đi cách viết chữ, cậu chỉ nhớ mỗi súng đạn sa trường. Đau đớn thật đấy, nhưng mà đáng. Mình không viết được nữa, em mình sẽ viết, cháu mình sẽ viết. Các em vẫn còn di tản ở đằng kia, mắt vẫn lấp lánh, tay vẫn mềm. Vậy là còn viết được nữa. Thế thì mình càng phải cố, để cho các em được viết. Thanh hấp háy mắt, nhăn lại những nếp da sạm đen vì nắng, cậu nhìn nhìn hàng chữ bộ đội viết chi chít những câu hào hùng. Sao mà nhiều ước mơ quá, làm người ta mong đợi một khúc khải hoàn quá. Cậu không dám để của mình vào, cậu sợ…

“Này, dán hộ của tớ với.” 

Thắng vừa đi mà mắt vẫn nhìn vào mảnh giấy của nó. Đứng đằng sau lưng Thanh, nhìn hai đôi vai đã khang khác từ lần nọ thấy ở đợt chuyển quân trước. Cứng cáp hơn, ờ nhỉ, phải cứng cáp hơn. Nó niểng người sang một bên vì gọi mà không thấy Thanh trả lời. Một bên sườn mặt vủa Thanh ám trong màu nắng vàng ươm như màu lúa chín. Mấy sợi mi cậu run run, “Sao không trả lời tớ?” Thắng hỏi, nheo mày thắc mắc, “Giận tớ à?”

Nó thấy Thanh chầm chậm xoay mái tóc đen mắc kẹt những ngọn gió đông. Hàng mi cậu giật giật, và một điều gì đó khó nói hằng sâu trong đôi mắt tinh anh của Thanh. Thanh có khuôn mặt nhỏ, đường nét đậm đà và có mùi vị của những đêm phong trần mưa gió. Hồi ở Tổng Hợp, Thanh nhìn thư sinh hơn nhiều. Bận đó da Thanh không sạm nắng, và mái tóc lúc nào cũng được tỉa gọn gàng vào nếp cả. 

“Không,” Thanh trả lời, màu xanh của áo ám vào cậu và Thắng, “giận cái gì cơ chứ.” Rồi cậu đưa tay ra, “Đưa đây tớ dán lên cho.”

Thắng chần chừ, “Cậu làm sao ấy.”

“Làm sao?” Thanh chột dạ, cậu rướn mắt, “Tớ khác à?”

Thắng nheo mắt, hai chân mày chau tít vào nhau, “Ừ, khác.”

“Khác thế nào.”

“Cậu không thích nói chuyện với tớ à?” Nó tiến lại, ngồi đối diện Thanh trên cái thềm nhà. 

“Nào có!” Thanh đáp lại ngay. Cậu tỏ ra hối hả, “Không đâu.” Cậu nhắc lại.

Thắng nghiêng đầu, “Thế sao? Cậu tránh tớ là rõ. Chúng mình đâu có lạ nhau.”

“Không có lạ.” Thanh lặp lại lời Thắng, cụp mắt, những ngón tay lộ rõ nét hoang mang. Cậu bấu những khớp tay gầy gò nhiều chai sạn, “Tớ ngại quá.”

“Sao thế? Tớ có ăn thịt cậu đâu?”

“Tớ ngại.” Thanh mím môi, “Tớ ngại không biết nhau lâu.”

Thắng “Xời” một tiếng rõ là to, rồi nó ngả đầu ra sau cười như nắc nẻ, “Xét về độ biết nhau ấy, chàng ạ, tớ còn biết cậu trước khi cậu biết tớ cơ.”

“Ừ thì…”

“Cậu cứ nói chuyện với tớ. Cậu không mở lời, tớ cũng chẳng dám hỏi.”

“Sao lại không hỏi?”

Thắng cười mim mỉm, “Cứ nhìn người khác chằm chằm từ xa, rồi thất thểu bỏ đi như thất tình ấy.” Nó vừa lắc đầu vừa khúc khích, “Có nằm mơ tớ cũng không dám hỏi.”

“Ơ…” Cậu gãi đầu gãi tai, mặt mũi đỏ lựng. Hoá ra Quỳnh Thắng thấy…

Thắng nhìn mặt, mặt nó sáng rỡ, giống như mặt trời ló đầu những buổi bình minh. Một cái kiểu sáng khó tả, đánh vào trong mắt và não của Sang Thanh một cú thật mạnh. Cậu nhớ, hồi trước trong lớp có một cậu tên Kiên, cậu hay kể rằng: Gặp một người mình thích, thì cảm giác giống như mình nằm trên một cái đồi đầy cỏ, có đôi con chuồn chuồn ở đó và mình không thể tìm thấy thêm con nào. Ở dưới sẽ là ruộng, mình nhìn được những cái nón lá nhấp nhô bên dưới đó. Có mùi của cỏ khô và rơm rạ. Mình sẽ nhớ đến cái ao sen đầy mũi ở đầu làng, trong lúc mình nhìn vào đôi mắt người đó. Đó là một cảm giác rất lạ, và Kiên nói: “Đó không phải là cảm giác yêu đương tầm thường đâu Thanh.” 

“Là thế nào?” Thanh hỏi lại

Kiên nhìn vào cái sổ chép thơ của mình, “Nó là một cảm xúc lạ, gắn cùng với những thứ đã trở thành tri âm. Khi mình tìm thấy được một người như vậy, cậu sẽ hiểu tớ nói gì.”

Thanh nhìn vào Thắng thật lâu, chắc là lời Kiên nói, làm cậu nổi da gà run rẩy như sốt rét.

Thắng toét miệng cười, “Thanh có viết không?”

“Tớ có.”

“Cậu dán lên chưa?”

Thanh lắc đầu. Rồi cậu cúi xuống, tỉ mỉ dán mảnh giấy của Thắng.

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Sắp hết năm rồi, năm 1971, cái năm đầu tiên xa cách, cái tuổi quân đầu tiên… Mình đã hết cái buổi đầu bỡ ngỡ làm quen với cuộc đời bộ đội. Mặc dù vẫn chỉ là binh nhì, nhưng mình đã là “lính cựu”. Lại sắp một đợt tuyển quân. Thế mà, hình như mình còn trẻ con lắm. Vẫn lang thang trên đồi, xuống dốc, vẫn đá cầu…(*)

____

Lại là ngày hăm nhăm, ngày hôm qua là ngày hăm tư. Mặt trận chỉ cách bên kia sông nữa. Bộ đội tốp này toàn lính trẻ, có người trốn về. Nhiều. Họ có lẽ không chịu nổi ở cách xa gia đình lâu đến thế. Cũng đúng. đó đến giờ trong số họ có ai ở xa bố mẹ lâu đến thế đâu. Không, không phải về những ngày tháng tầm thường. Những nỗi xa ở đây quá lớn để thổ lộ bằng ngữ nghĩa chân phương. “Xa”, ở cách bố mẹ Trường Sơn đằng đẵng. Cứ mỗi lần chuyển quân đi, điểm lại là có người đào ngũ. Họ tránh khỏi những chuyến đi dài mà chẳng biết còn ngày về hay không. Gần tới mặt trận, cái nỗi sợ này càng lớn dần, như một trái bóng căng ở trước ngực, khiến mình đè nén lại những nỗi niềm uất ức, để giành đó chỗ cho những cảm xúc khảng khái, mãnh liệt hơn. Vì mình vẫn còn ở đây. Thắng nhìn ở phía xa, sông Thạch Hãn trải dài như tấm lụa. 

Khuya hôm qua, Song Nam không may trúng đạn pháo, đã đưa về trạm xá cách đây cả năm cây số. Vậy là Nam sẽ đến sau mình, sau khi anh lành thương. Tay nó run run, ngón chân toàn là đất của nó co cụm lại, đường déo cao su hàn lên mu bàn chân nó bỏng rát. Nó nhớ lại lúc ở thị trấn Nhã Nam, nơi mà “Kỷ niệm 1971” của nó, Thanh và Nam được viết kín đáo trên tờ giấy của Nam dán trên báo tường. Nơi nó gửi lại những cơn gió đông mà không hề lạnh ở những căn nhà ấm cúng, và những bữa cơm lúc nào cũng sẵn chờ. Nó sẽ nhớ những hôm xách nước từ giếng làng về để đun, và những hôm phụ dân làm việc đồng áng. Nó sẽ nhớ cái đêm nó, Nam và Thanh bị phạt đào đất vì tưởng nhầm là đào ngũ giữa đêm. Thắng sẽ nhớ những màu xanh ấy, để thay cho những mùi thuốc súng và pháo, những tiếng bom rơi trên nền trời xanh. Những tiếng uỳnh oàng quá mức chân thực. 

Mùi cháy khét không tả được bằng giấy, những vần thơ của Sang Thanh tắt lịm. Thắng hỏi khe khẽ, trong lúc tiểu đội đang chợp mắt nghỉ:

“Thanh.”

“Ơi.” Thanh đáp lại, giọng dợn đờm.

“Cậu hết cả lãng mạn rồi à?”

“Sao thế?”

Thắng im một hồi, tiếng dế gáy râm ran sát rạt dưới tai, nó nằm trên đất trần mà vẫn ấm như trong lòng mẹ. Cũng đúng, đất của nước mình kia mà, đất của nước mình, một tấc đất cũng là của mình. Ấm, có tiếng ve kêu. Sương rơi như một chút gia vị, đêm mai mình sang bên kia. 

“Không.”

“Cậu không chép thơ và đọc thơ cho mọi người nữa.”

Thanh phát khỏi họng những ấp úng tối nghĩa, “Ừ…”

“Sao?”

“Những thứ này lớn hơn cả ngôn từ, Thắng ạ.” Thanh nói, “Nhưng sáng mai, tớ sẽ lại chép thơ.”

“Tại sao vậy?”

Thanh nhìn Thắng, ở trong màu đen của màn đêm huyền bí. Tiếng rít từ dòng sông đang chảy, tiếng bom vọng lại, tiếng những người khác cũng thì thầm to nhỏ như cả hai. Không ai ngủ được, đâu đâu cũng có những nỗi niềm rất riêng, nhưng không nỗi niềm nào quá lớn hơn cả một nỗi niềm chung của Tổ quốc.

“Vì sang ngày mai tớ không tiếc gì.”

Mình tiếc gì?

Mình sẽ tiếc những màu tóc rất xanh của bọn trẻ. Tiếc cái gian nhà, tiếc những con phố mình vẫn hay đi ngang. Tiếc cái ao mọc đầy bông lau và sậy, tiếc những cái nón và khăn mẹ gửi từ nhà. Tiếc mâm cơm rau luộc, tiếc con chó. Tiếc những buổi đến giảng đường, mình vẫn chưa hết năm đầu. Mình tiếc nhiều chứ. Nhưng, nếu tiếc những thứ đó mà không tiếc Tổ quốc bị giặc chiếm, thì những thứ kia hoá phù du tan đi mất. Thế cũng bằng không. Nỗi niềm nào cũng là những nỗi niềm đáng kể, nhưng nỗi niềm nào sẽ thành hiện thực nếu đây không còn là nước mình nữa? Nhiều khi, mình gạt phăng những điều mình tiếc rẻ, để các em mình không cần tiếc điều gì.

Cậu tiếc gì?

Cậu sẽ tiếc nếu chưa được nhìn đôi mắt đen lâu hơn nữa. Chưa đọc hết thơ ca trên cuộc đời, chưa dạy chữ cho đứa con nít nào. Chưa viết được một bài thơ thật đáng, chưa vào được Hội Nhà văn. Chưa xuất bản một tập thơ cho thật oách. Cậu tiếc…

Tiếng dế gáy ngày một to hơn rồi tắt lịm, khi mặt trời đã ló dạng. 

Tối nay là ngày vượt sông để đến thành cổ.

Trận này chúng mình phải thắng, để giữ thế trên bàn cân chính trị trong Hiệp định Paris sắp tới. Nó nhìn những hàng quân dọn dẹp, chiếc balo trên vai trì chân nó xuống. Không, nó không sợ chết. Nó đang tiếc. 

Thanh tiến lại, bàn tay cậu chai sạn nắm lấy tay nó. “Đừng sợ.” Cậu nói, “Có tớ đây.”

phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất

phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ Quốc

Sao mà tối nhanh quá, ráng chiều lại tràn hết vào những hốc mắt lính trẻ. Chỉ huy đang dặn dò. Không, đây là một trận chiến cảm tử, Thắng nhận ra nó rồi. Lần đầu tiên nó thấy được, cảm nhận được. Có một thứ gì chạy loạn bên trong cơ thể nó, một cảm giác không nên có. Nó siết nắm tay lại, nghe tiếng bom rơi.

Có tiếng ai đó nói, “Tớ không biết bơi.”

Một người khác nữa trố lên, “Thật không?”

“Thật, tớ sợ lắm.” Rồi nắm tay bạn, “Cậu đừng bỏ tớ lại nhé.”

Thắng chớp mắt, im lìm. Một đêm thật lạ. 

“Thắng.” Thanh gọi.

“Ơi?”

“Con dế này sống qua bên kia không?” Thanh vừa nói, vừa chìa con dế trong hai lòng bàn tay khép chặt.

Thắng nghĩ một lúc, nó trả lời, “Không đâu.” Rồi nó lôi cái ống bơ vắt trên lưng quần ra, “Để con dế lại, nó còn được sống…”

Những con dế sẽ sống, ở bên đây sông.

“Đừng cách xa tớ nhé.” Thanh nói, Thắng lơ mơ.

Mùa hè năm ấy, Thạch Hãn nhuốm đỏ máu người trẻ. Cứ sang một tiểu đội, lại mất hơn một nửa. Xác bộ đội bồi cho sông Thạch Hãn, đắp cho những người khác sang bên kia bờ. Màu xanh ướt đẫm, màu đỏ, màu đen của màn đêm. Những màu trộn lại, không ai kịp khóc. Ai cũng vội sang bên kia hết, tiếng nổ từ trên trời cứ dội về đây như một lời thách thức, bom rớt xuống lòng sông thì phát nổ. Bộ đội không chết vì bom dính trúng thì cũng bị mảnh bom găm vào người. Thương binh nhiều không đếm xuể. Thắng lò dò đi, mũi miệng nó ngập trong nước, nó đạp vào cái đầu của ai đó, sởn người. Nó nắm chặt vào Thanh phía trước.

“Chầm chậm thôi,” Thanh vừa nhè nước vừa nói nhỏ, “cẩn thận, sắp sang đến rồi, đừng cách xa tớ quá nhé.”

Đi sang bờ bên kia, nằm ở lại là một nửa số đồng đội. Bên đây cũng là một cái án tử khác, thôi không sao.

Hồi hôm hăm ba, Thắng đã được lệnh đổi sang đội thông tin. Thắng nằm im trong doanh trại, nghe tiếng người ta chuyển thương binh đi băng bó. Có người bị mảnh bom găm vào chân, vào tay, vào bụng. Tiếng họ rên rỉ cứ vòng vọng bên tai nó. Bên dưới lòng sông là hàng ngàn lính trẻ, có những người là đồng đội, có những người đã sẵn ở đó. Tan nát, không còn gì. Mình sẽ vẫn xông pha, vào ngày mai.

Này, tiếng đạn bên tai rất đều, bên kia cờ vàng ba sọc, họ cũng là con người. Con người ấy mà, cay đắng và dày xéo nhau, vậy mới là con người. Đôi khi mình nghĩ, hãy nghĩ: Bắn vào chúng đi, vào óc, vào tim. Chúng làm gì có trái tim mà đau đớn? 

Mình hãy nghĩ – Nhìn cái xác trơ trọi của kẻ thù: Hoá ra cũng là người trần mắt thịt đấy thôi… Cũng có mẹ, có người thương, có thứ để tiếc…

Thắng nhận lệnh nối đường dây thông tin vì đã bị đứt. Quân tiếp viện không biết đã đến đâu, quân hiện diện trên mặt trận đã không còn trụ được vững, chỉ huy dập vội điện thoại, mặt nhăn đến nỗi chúng hằn những nếp vào da mặt. Thắng vội đi ngay.

Thắng tiếc…

Thắng nhìn màu đỏ tuôn ra từ ngực, rồi rơi xuống dòng nước. Thằng địch bỏ chạy. 

Thắng tiếc, đường dây vừa kịp nối xong, vẫn chưa kịp chạy về báo cáo.

Thắng tiếc, không nghe kịp bài thơ Sang Thanh đọc hồi sáng vì bận đi chuẩn bị.

Thắng tiếc, mẹ còn ở nhà…

Thắng tiếc… Còn tiếc gì được nữa nhỉ? Cơn đau xâm chiếm người nó rồi nó lả đi. Không tiếc gì nữa.

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

____

“Thanh! Thanh ơi!”

Một cậu trẻ chạy vội đến chỗ Thanh, bên kia đã ngừng bắn. Thanh đang thở những hơi gấp gáp, cả người cậu nặng như bị đè bởi hàng tấn đất đá.

“Sao?”

Cậu trẻ thở dốc, mếu máo, “Thắng, tớ nghe thông tin, Thắng…”

“Thắng thế nào?” Thanh bật người, bám lấy vai cậu ta, “Thắng thế nào rồi?”

Thanh cứ hỏi tiếp, gấp gáp, tuyệt vọng, vì cậu biết câu trả lời. Cậu đã sẵn biết. Cậu chỉ đang chờ ai đó phản bác những thứ cậu nghĩ, “Thế nào, nói đi?!”

“Thắng bị bọn nó bắn, trong lúc nối dây.”

Không ai điểm mặt, đặt tên… Thanh đơ người, tai cậu ù đi như tiếng bom gần sát. Không ai tiếc tuổi trẻ, Thắng cũng đã thế.

“Tối nay, cậu với tớ đắp cho Thắng cái mộ, nhé…” Thanh nói, run rẩy, cậu không biết trên mặt mình lúc này là mồ hôi, máu, hay là nước mắt. 

Song Nam đến mặt trận, gặp Thanh rồi ôm một cái nồng thắm. Anh nghe tin Thắng đã mất, từ hai hôm trước. Anh không nghe tiếng tim anh vụn vỡ nữa, anh biết những điều gì sẽ đến. Nhưng sớm quá, sớm quá, Thắng ơi…

Rồi Nam chuyển đến đơn vị khác, anh chào Thanh vội vã. 

Hai hôm sau nữa, Quảng Trị lại cướp tuổi mười tám của Sang Thanh. 

Cậu trẻ ngồi trong lều, đọc di thư mình viết gửi mẹ lại một lần nữa. Tấm thư dính đất, và máu ở ngay góc trái khô thành màu nâu nâu. 

“Này, mệt quá, bọn nó đi ăn cơm trưa hết rồi.” Thanh ló đầu vào, một bên đầu đã băng trắng thấm máu đỏ. Cậu lục túi áo, rút ra hai điếu thuốc, chìa cậu nhỏ một điếu, Thanh nói: “Cất vào đi, chẳng may lại rách.” Rồi rời khỏi lều. Cậu nhỏ chớp mắt, rồi cậu giật mình.

Tiếng nổ ở ngay trước lều, Sang Thanh tan xác. Nặng nề quá…

Song Nam không ngờ, vậy mà tất cả đều là lần cuối.

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em..

____

Nam ước mình kể lại được nhiều hơn, nhưng tất cả những gì anh tìm lại được từ Thanh và Thắng chỉ có bấy nhiêu. Sang Thanh, Quỳnh Thắng, anh ước một điều ước dài đằng đẵng cả lịch sử nước mình. Thắng lợi về trên Tổ quốc rồi, sao hai cậu không ở đây để ngắm cùng?

Thanh, Thắng, nhìn thấy không? Con dế mèn ấy đã sống qua mùa hè.

(*) Lấy nguyên văn từ nhật ký Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi – Nguyễn Văn Thạc.

Mình không phải là một cây bút giỏi, và trải nghiệm của mình không đủ tốt để viết ra một thứ gì hào hùng. Lịch sử nước mình là một khúc bi tráng, vĩ đại hơn những thứ chữ mình có thể viết ra. Hãy xem đây là một món quà, dành tặng cho Câu lạc bộ của mình. Mong hai bạn sẽ thích, và mong đừng bắt lỗi mình nhiều quá.

Tiêu chuẩn

Bình luận về bài viết này